Đánh giá Hoắc_Quang

Sử gia Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám viết vào đời Tống cho rằng việc diệt toàn bộ gia tộc công thần Hoắc Quang của Hán Tuyên Đế là quá tàn nhẫn đối với những đóng góp của ông cho nhà Hán[27].

Về những đóng góp của Hoắc Quang, nó đã giúp ông có được một vị trí đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc. Ông được coi là một trong những phụ chính đại thần nổi tiếng nhất, sánh ngang với Y Doãn đời nhà Thương, Chu Công đời nhà Chu, Gia Cát Lượng đời Thục Hán hay Trương Cư Chính đời nhà Minh. Ông được nhiều người đánh giá cao vì sự tận tụy, sáng suốt và quyết đoán trong thời gian phụ chính, đặc biệt là hành động chưa từng có trong lịch sử phong kiến Trung Quốc phế vua xấu để lập vua khác. Tuy nhiên nhiều nhà sử học phong kiến cũng cho rằng Hoắc Quang là người độc đoán, lại ưu ái họ hàng, đây chính một phần lý do khiến nhà họ Hoắc gặp tai họa sau khi ông qua đời. Nhiều quyền thần sau này cũng mượn danh học theo Hoắc Quang để phụ chính rồi lạm quyền lấn áp vua, thậm chí là cướp lấy ngôi báu như Vương Mãng cuối đời Tây Hán. Sau này người đời có câu "làm việc Y, Hoắc" (行伊霍之事; Hành Y Hoắc chi sự) ý chỉ làm việc phế lập như Hoắc Quang, Y Doãn, ngay câu nói này cũng bị hiểu theo nhiều nghĩa vì tuy Y Doãn nổi tiếng trong vai trò phụ chính nhưng sách Trúc thư kỉ niên lại ghi lại rằng Y Doãn là người chuyên quyền, tự tiện phế lập theo ý riêng của mình. Việc Hoắc Quang là quyền thần hay hiền thần cho đến nay vẫn là điều tranh cãi trong giới học giả, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng dưới thời Hoắc Quang làm phụ chính, triều đình Tây Hán ổn định, kinh tế phát triển và xã hội thịnh vượng không thua kém gì thời Văn Đế, Cảnh Đế trước đó.

Bản thân Hán Tuyên Đế, dù đã diệt họ Hoắc, song đối với Hoắc Quang cũng dành cho một sự kính trọng nhất định. Năm 51 TCN Tuyên Đế cho vẽ tranh chân dung 11 công thần để treo trong cung, người xếp đầu tiên trong danh sách là Hoắc Quang, dưới chân dung ông Tuyên Đế ưu ái chỉ đề Họ mà không đề tên[28].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoắc_Quang http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%99%8B%E4%B9%A6 http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%E... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/...